image banner
Lào Cai: Những chuyển động tích cực từ chuyển đổi số
Lượt xem: 35
Chuyển đổi số đang trở thành một trong những động lực quan trọng để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh đó, Lào Cai đã mạnh dạn trong triển khai chuyển đổi số nhằm đổi mới cách thức quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từ nhận thức đến hành động...

Hiểu rõ chuyển đổi số không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà trước hết là vấn đề nhận thức, Lào Cai đã tập trung đầu tư vào công tác tuyên truyền và đào tạo. Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 8/8 lớp đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số và an toàn thông tin (ATTT), vượt mức kế hoạch. Có 124 cán bộ nòng cốt Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn chuyên sâu, đối tượng tham gia bao gồm hơn 6.050 cán bộ, công chức, viên chức. Gần 100.000 người dân đã được trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản. Đáng chú ý, gần 41.770 học viên đã hoàn thành các khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOCs, giúp Lào Cai đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố về việc áp dụng nền tảng giáo dục mở.

 

Lào Cai đã tập trung đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, gồm thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, và an toàn thông tin. Đặc biệt, Quyết định số 2594/QĐ-UBND đã phê duyệt đề án phát triển dữ liệu số, tạo nền tảng quản trị minh bạch và hiệu quả.

anh tin bai

Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Lào Cai.

Hạ tầng viễn thông của tỉnh phát triển với tốc độ cao, băng thông rộng, phủ sóng di động 3G, 4G đến 100% trung tâm xã, 99,5% đến trung tâm thôn, tổ dân phố. 96 % thôn, tổ dân phố, 70,8% hộ gia đình có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet. 5G đã được triển khai tại 58 điểm quan trọng như Lào Cai, Sa Pa, Bảo Thắng, Si Ma Cai và Bảo Yên. Từng bước phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) tạo nền tảng triển khai chính quyền số, đô thị thông minh. 

 

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Nhằm tăng tính tiện ích và giảm gánh nặng hành chính, Lào Cai đã triển khai mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngay tại nhà văn hóa thôn. Các nhà văn hóa thôn được trang bị máy tính, máy in, máy quét và kết nối mạng. Tại đây, Tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp hỗ trợ người dân, giúp tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giảm áp lực cho cơ quan nhà nước các cấp. Thuận lợi cho người dân trong quá trình di chuyển đến nhà văn hóa thôn thay vì phải đến trụ sở UBND xã hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công. Thông qua hiệu quả của mô hình thôn thông minh tại thôn Đông Căm và 19 thôn khác địa bàn huyện Bảo Thắng đã được UBND tỉnh cho phép triển khai nhân rộng.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn đầu tư mạnh vào việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, với tỷ lệ 96% sản phẩm OCOP đã có mặt trên các sàn. 100% doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, và 100% TTHC yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia.

Đảm bảo an toàn thông tin

Công tác đảm bảo an toàn thông tin được coi là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số. Lào Cai đã phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 146/146 hệ thống thông tin. Trung tâm giám sát mạng của tỉnh đã ngăn chặn hơn 57.800 lượt tấn công trái phép và 1,24 triệu email chứa mã độc. Tất cả máy tính trong cơ quan nhà nước đã được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc. 

Với những nỗ lực đồng bộ, Lào Cai đang tạo ra những chuyển biến đầy tích cực trong chuyển đổi số, giúp tự động hóa nhiều quy trình để từ đó nâng cao hiệu quả quản lý. Chuyển đổi số tăng cường kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp qua cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Chuyển đổi số còn giúp địa phương tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và tăng cường phát triển kinh tế-xã hội./. 


Vũ Dũng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập