image banner
Tìm hiểu về phần mềm học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY
Lượt xem: 93
Là một trong bốn công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất đoạt giải thưởng "Tuổi trẻ vì giáo dục năm 2018", phầm mềm học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY của nhóm tác giả do tiến sỹ Lục Quang Tấn (Trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai) đứng đầu đã chứng tỏ được sức lan tỏa, tính ứng dụng cao trong thực tiễn.  

Giải thưởng "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&DDT tổ chức. Chương trình nhằm tìm kiếm các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo thuộc ba nhóm nội dung: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Từ hơn 200 công trình, sáng kiến dự thi năm thứ nhất, bước sang năm thứ ba, Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 công trình, sáng kiến gửi về dự thi. Kết quả chung cuộc, Lào Cai đã vinh dự đóng góp một trong bốn công trình, sáng kiến xuất sắc nhất đoạt giải thưởng 100 triệu đồng. Đó là công trình phần mêm học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY. Để có được thành công đó, IOSTUDY không chỉ là một phần mềm giáo dục đơn thuần mà nhóm tác giả đã giày công nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng nhiều công nghệ mới để khiến việc học tiếng anh trở nên dễ dàng, trực quan và trở thành một niềm vui. 

Phần mềm học tiếng anh IOSTUDY là một hệ sinh thái học tập tiếng Anh thông minh đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với các công nghệ được sử dụng như: Công nghệ nhận diện giọng nói, Trí tuệ nhân tạo AI, Công nghệ video Peer to Peer, Big data. IOStudy là giải pháp học tiếng Anh tổng thể, phát triển toàn diện các kỹ năng tiếng Anh cho mọi đối tượng. Đồng thời, cá nhân hóa quá trình học, thống kê đánh giá lực học của người học. IOStudy còn tương tác thông minh, đa chiều với người học. Hơn thế, IOStudy tập trung hoàn thiện các kỹ năng cho tiếng Anh giao tiếp, hoàn thiện nền tảng ngôn ngữ cơ bản, từ đó phát triển lên các kỹ năng cao hơn. Đồng thời, tạo động lực, tăng cường khả năng phản xạ cho người học, kết nối người học với người học, người dạy với người học, tạo cộng đồng tiếng anh.

Nhóm tác giả Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn

Sau 1 năm nhận giải, hiện nhóm đã hoàn thiện nốt bộ sách điện tử lớp 10,11, 12 theo chương trình SGK của Bộ GD&ĐT. Sản phẩm hiện được nhiều người biết đến, tìm hiểu, yêu thích và tin dùng. Chỉ sau 5 tháng công trình được công bố đã có hơn 12.000 giáo viên, học sinh, người học tham gia thêm, tăng số lượng người sùng từ từ hơn 36.000 lên 49.000 thành viên học tiếng Anh trực tuyến qua phần mềm này.

Với góp ý của hội đồng Ban Giám khảo vòng chung kết, nhóm nghiên cứu đã Phát triển thêm ứng dụng tập kể chuyện với công nghệ WebRTC, nhận diện giọng nói trực tuyến bước đầu đạt hiệu quả cao.

Nói về kế hoạch sắp tới, đại diện nhóm tác giả, TS Lục Quang Tấn chia sẻ: “Trong tương lai gần, nhóm sẽ phát triển, quảng bá ứng dụng mạng xã hôi học tập chia sẻ với 100.000 người dùng truy cập mỗi ngày, đồng thời, phấn đấu lọt Top 500 website hàng đầu Việt Nam theo số liệu Alexa – Amazon.

Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ xây dựng các ứng dụng nâng cao Tiếng Anh thông qua môn học Toán học, Khoa học, kỹ năng sống. Chúng tôi mong muốn đem đến cho người dùng tiện ích nhất khi sử dụng phần mềm này để tiết kiệm được kinh phí cũng như đem lại hiệu quả cao cho người học”.

Tuy nhiên, với những kế hoạch dài hơi này, công trình đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi kinh phí đầu tư để phát triển phần mềm rất lớn.

Giao diện của phần mềm

Hơn nữa, nhóm chủ yếu là những nhà khoa học, nên việc quảng bá, maketing sản phẩm còn hạn chế, số lượng người biết đến sản phẩm chưa đáp ứng đúng như mong muốn, đồng thời, trang thiết bị một số nơi còn chưa đảm bảo để triển khai trực tuyến, đặc biệt là người học vùng sâu, vùng xa nên cần được tính toán cụ thể, kỹ lưỡng cũng như sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cũng như các đơn vị giáo dục.

Có thể nói, bước đầu thành công của nhóm tác giả, không phải ở nguồn thu, số lượng người dùng hay việc nhân rộng mô hình mà điểm cộng ở đây chính là tính thực tiễn, tính mới của công trình. Những nghiên cứu không “nằm yên” trên giấy sẽ đóng góp thực sự cho xã hội, đặc biệt là những dự án phục vụ cho nhu cầu đổi mới giáo dục căn bản toàn diện.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập