Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội ở Lào Cai
Theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Lào Cai, xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đơn vị đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS toàn diện.
Theo đó, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, Sở tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ đến các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở về nội dung giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử; xây dựng hồ sơ cấp độ I cho hệ thống thông tin mạng LAN nội bộ gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định để ban hành triển khai. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, như: Hệ thống chỉ đạo điều hành (theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ) của UBND tỉnh, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, một cửa điện tử liên thông, xử lý phản ánh hiện trường, phần mềm tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo… Sở LĐ,TB&XH triển khai quyết liệt chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở, Phòng LĐ,TB&XH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, rà soát và đăng ký cấp chữ ký số chuyên dùng cho công chức, viên chức, người lao động để triển khai sử dụng chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Cán bộ ngành Lao động – TBXH tuyên truyền cho người dân xã Nàn Sán (Si Ma Cai) về chi trả ASXH không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy CĐS trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; hướng dẫn của Bộ Lao động - TBXH và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, khuyến khích và hướng dẫn đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước nhận trợ cấp bằng hình thức không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến đầu tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có gần 20.500 người mở tài khoản tại ngân hàng nhận trợ cấp an sinh xã hội. Thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 18.660 người với số tiền lũy kế từ khi triển khai đến nay đạt trên 16,5 tỷ đồng; trong đó, thực hiện chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng cho người có công, thân nhân người có công đạt 88,3%, chi trả trợ cấp cho đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội đạt trên 70%.

Người dân đến mở tài khoản chi trả ASXH không dùng tiền mặt tại xã Dìn Chin (Mường Khương)
Trong công tác triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ năm 2024 đến nay, Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 1.789/1.982 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (chiếm 90,26%). Nhóm liên thông trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng người có công với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ mai táng phí là 38 hồ sơ .Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở đã quan tâm chỉ đạo Văn phòng Sở phối hợp với đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến phục vụ việc thu lệ phí cấp phép cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 117 hồ sơ, với số tiền 33,42 triệu đồng. Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung, đơn vị đề xuất triển khai Hệ thống thông tin, dữ liệu ngành (nhất là hệ thống dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp) với mô hình liên kết, đồng bộ dữ liệu 2 chiều giữa cấp tỉnh với trung ương theo một tiêu chuẩn cấu trúc, kiến trúc thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin ngành Lao động – TBXH liên kết, liên thông với các hệ cơ sở dữ liệu khác trên địa bàn tỉnh giúp giảm thiểu nguồn nhân lực số hóa các hồ sơ thủ tục hành chính tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời, Sở LĐ,TB&XH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết của chuyển đối số; kiện toàn các đơn vị, bộ phận, đội ngũ phụ trách công nghệ thông tin; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số gắn với cải cách hành chính, công vụ; chú trọng công tác an toàn thông tin mạng; tăng cường tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi toàn bộ mạng sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); tăng cường trang bị cơ sở vật chất bảo đảm cho hệ thống công nghệ thông tin. Sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và đối tượng thuộc ngành được giao quản lý tích cực cùng tham gia công tác chuyển đổi số của ngành; nêu rõ hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến để người dân hiểu về những lợi ích khi thực hiện./.