Thương mại điện tử: Chìa khóa nâng cao giá trị nông sản và du lịch Lào Cai
Đối với Lào Cai, một tỉnh miền núi giàu tiềm năng về nông sản đặc sản và tài nguyên du lịch, thương mại điện tử mở ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu và gia tăng sức cạnh tranh. Từ việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch trực tuyến đến việc quảng bá du lịch thông minh, thương mại điện tử đã và đang trở thành chìa khóa quan trọng trên hành trình phát triển bền vững của tỉnh.
Giới trẻ Lào Cai đã thực hiện nhiều chương trình livestream để giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm OCOP của địa phương
Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh đã chú trọng phát triển các kênh thông tin chính thức trên nền tảng số, trên mạng xã hội, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận và lan tỏa thông tin, hỗ trợ nông dân trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, phát triển thương mại điện tử góp phần từng bước nâng cao giá trị nông sản và du lịch Lào Cai.
Quan tâm phát triển các nền tảng số
Mạng xã hội ngày nay không chỉ là công cụ kết nối giữa con người mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ và xây dựng thương hiệu. Việc tận dụng các mạng xã hội giúp mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Với ý nghĩa đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư và phát triển thông tin trên nền tảng số với tất cả các loại hình như báo chí, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Youtub, Zalo phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Hệ thống thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh hiện có: App Lào Cai số; Cổng dịch vụ hành chính công; Fanpage Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Fanpge Báo Lào Cai, Fanpage Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai; trên 50 cơ quan/đơn vị, 9/9 huyện/thị xã/thành phố, 152/152 xã/phường/thị trấn có trang fanpage. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát triển nội dung trên 04 nền tảng mạng xã hội chính là Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok. Đài PTTH tỉnh Lào Cai đã đưa vào hoạt động trang Fanpage bằng tiếng Mông, tiếng Dao trên MXH Facebook.
Đặc biệt, với việc phát triển hạ tầng thông tin truyền thông hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 99,6% trung tâm thôn, tổ dân phố; 96% thôn, tổ dân phố, 70,8% hộ gia đình có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet là điều kiện quan trọng góp phần phát triển thương mại điện tử, nâng cao giá trị nông sản và du lịch tại địa phương.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá
Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch; Hỗ trợ tạo gian hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước (Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Sendo) và tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, mạng xã hội; Hướng dẫn, hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn là các hoạt động chính được triển khai thường xuyên. Nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến thông qua việc xây dựng kênh bán hàng riêng trên nền tảng mạng xã hội, thực hiện livestream để bán hàng các sản phẩm nông sản.
Thông qua tương tác và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội mà rất nhiều mặt hàng nông sản đặc hữu của Lào Cai được người tiêu dùng gần xa biết đến như gạo Séng Cù, Lê Tai nung, mận Tam hoa, quýt Mường Khương, tương ớt Mường Khương, cá hồi, nấm hương Sa Pa, thịt trâu sấy Bảo Yên, thịt lợn đen Bắc Hà, miến đao Bát Xát, Chè Shan hữu cơ, Trà túi lọc Linh chi – astiso, các sản phẩm OCOP,…
Xây dựng trung tâm livestream tại Lào Cai
Xây dựng trung tâm livestream; xây dựng chiến lược nội dung thông tin; hợp tác truyền thông; đào tạo, tập huấn;…là những giải pháp trọng tâm sẽ được tỉnh Lào Cai triển khai trong thời gian tới nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, phát triển thương mại điện tử, nâng cao giá trị nông sản và du lịch Lào Cai.
Việc xây dựng và phát triển trung tâm livestream tại Lào Cai sẽ cung cấp một nền tảng trực tuyến giúp kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng, từ đó giảm chi phí trung gian và gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các sản phẩm của Lào Cai dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn. Các trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối với khách hàng, tạo dựng thương hiệu và thúc đẩy doanh thu bán hàng. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok kết hợp với livestream sẽ giúp các sản phẩm của Lào Cai dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn, đặc biệt là khi sản phẩm được quảng bá bởi những người có ảnh hưởng (influencers).
Sản phẩm OCOP và nông sản của Lào Cai như mận Bắc Hà, đào Sa Pa, gạo hữu cơ có thể được quảng bá rộng rãi qua các kênh livestream. Những sản phẩm đặc trưng của Lào Cai có thể thu hút sự chú ý không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế thông qua các buổi livestream, nơi người bán có thể giới thiệu trực tiếp sản phẩm, chia sẻ câu chuyện về nguồn gốc và chất lượng.
Các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại Lào Cai có thể tăng cường sự tương tác trực tiếp với khách hàng thông qua các buổi livestream bán hàng, giúp tăng cường độ tin cậy và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Du lịch Lào Cai cũng có thể được quảng bá thông qua các livestream du lịch. Các trung tâm livestream sẽ là nơi tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp, giới thiệu về cảnh quan, văn hóa, và các tour du lịch tại các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Việc livestream các hoạt động du lịch sẽ tạo ra sự tương tác trực tiếp với du khách, từ đó thúc đẩy việc đặt tour và tham quan trực tuyến.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Lào Cai có thể sử dụng trung tâm livestream để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà không phải đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo tốn kém. Tại Lào Cai, có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có đã được đầu tư xây dựng tại các chợ truyền thống (ví dụ: tầng 3 chợ Cốc Lếu, chợ Nguyễn Du, tầng 2, 3 chợ Kim Tân…). Các vị trí này thuận lợi nguồn hàng hóa và gần với địa điểm hoạt động của các tiểu thương. Về du lịch, có thể tận dụng các trụ sở Trung tâm xúc tiến du lịch hoặc trực tiếp trong các khu di tích, danh lam, thắng cảnh.
Việc áp dụng mô hình này tại Lào Cai sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc quảng bá sản phẩm đặc trưng, du lịch và nông sản, đồng thời đẩy mạnh nền kinh tế số tại địa phương.
Thương mại điện tử không chỉ là kênh giao thương hiện đại mà còn là cầu nối quan trọng giúp nông sản và du lịch Lào Cai tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thương mại điện tử sẽ giúp các sản phẩm địa phương không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn khẳng định thương hiệu trên bản đồ quốc gia và quốc tế. Với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, và người dân, thương mại điện tử sẽ trở thành nền tảng vững chắc để Lào Cai phát triển kinh tế bền vững, xây dựng hình ảnh một tỉnh năng động, hiện đại trong thời kỳ chuyển đổi số.