Bà con ủng hộ thì vất vả mấy cũng cố gắng
Lượt xem: 58
Đó là tâm sự của Trưởng thôn Bản Giàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà) Quan Văn Chuyển khi chúng tôi hỏi về những khó khăn của người làm nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào” ở thôn. Làm trưởng thôn khi mới ngoài hai mươi tuổi, đến nay, anh Chuyển đã có 3 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu giữ cương vị này. Anh đã góp phần đưa Bản Giàng trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở xã Cốc Lầu...

Sau nhiều năm chúng tôi mới có dịp trở lại Bản Giàng, một thôn nhỏ nằm ven sông Chảy. Hình ảnh cây đa cổ thụ với mái đình làng ngay đầu thôn khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở một làng quê truyền thống miền xuôi. Bản Giàng có nhiều đổi thay, đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm giúp bà con đi lại thuận lợi; những căn nhà xây khang trang thay thế những mái nhà lụp xụp. Theo Trưởng thôn Quan Văn Chuyển, những đổi thay ấy bắt đầu từ khi người dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế.

Bản Giàng nằm ở vùng thấp của huyện, dù còn khó khăn nhưng so với nhiều địa phương vùng cao thì khá thuận lợi nhờ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, giao thông khá thuận lợi. Lợi thế có nhiều nhưng trước đây bà con chỉ quanh năm bám vào cây lúa, cây ngô với mong muốn đủ ăn chứ không ai nghĩ đến chuyện làm giàu. Thu nhập thấp nên việc huy động bà con đóng góp xây dựng nông thôn rất khó khăn. Vì vậy, việc đầu tiên anh Quan Văn Chuyển nghĩ đến khi được bầu làm trưởng thôn là tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Có dịp đi dự các hội nghị của xã rồi được tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các xã bạn, trưởng thôn trẻ ngạc nhiên khi thấy điều kiện tự nhiên một số xã lân cận như Bản Cái, Nậm Lúc, Nậm Đét… tương tự như Bản Giàng, thậm chí khó khăn hơn nhưng không có nhiều hộ nghèo như thôn mình. Cách làm không khó, chỉ là bà con mình chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất hàng hóa.

Trưởng thôn Quan Văn Chuyển.

Từ những câu chuyện thu thập được khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm, anh Chuyển đưa vào các buổi họp thôn. Tuy nhiên, không gì khiến bà con tin tưởng hơn là tận mắt nhìn thấy, vì vậy, trưởng thôn trẻ đã vận động một số hộ có chí hướng, quyết tâm làm giàu cùng mình thực hiện các mô hình sản xuất mới. Những nương ngô, nương sắn dần được thay thế bằng cây quế; các mô hình chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ cũng được khuyến khích mở rộng quy mô, tạo thành sản phẩm hàng hóa. Để bà con yên tâm sản xuất, anh còn mời cán bộ khuyến nông xã đến tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thấy mô hình nào hay mà xã đang triển khai, anh cũng xin cho thực hiện thí điểm ở thôn mình...

Cứ thế, phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thi đua lao động, sản xuất trở thành phong trào lan rộng cả thôn. Từ chỗ thôn chủ yếu hộ nghèo và cận nghèo thì nay chỉ còn 2/71 hộ thuộc diện nghèo. Anh quả quyết, so với nhiều thôn trong xã thì đời sống người dân Bản Giàng hiện xếp ở tốp đầu. Nói về điển hình phát triển kinh tế ở thôn, anh Chuyển tự hào thống kê: Có những hộ như gia đình anh Hồ Văn Sơn mỗi năm xuất bán hơn 10.000 con gà; gia đình anh Đặng Văn Kinh mỗi năm bán hơn 10 tấn thịt lợn... Diện tích trồng rừng của thôn cũng lớn nhất nhì xã, thôn có 71 hộ thì hơn 30 hộ có vài héc-ta rừng trở lên, một số hộ như Lương Văn Thành trồng gần 10 ha, Bàn Văn Minh có gần 15 ha sắp đến tuổi cho thu hoạch.

Thu nhập của người dân được nâng lên giúp việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới ở Bản Giàng thuận lợi hơn. Từ năm 2013, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm trưởng thôn đến nay, anh Quan Văn Chuyển đã vận động người dân hiến đất, góp công làm nhiều công trình công cộng như nhà văn hóa, đường giao thông, đình làng, tuyến đường điện, đường hoa... góp phần thay đổi diện mạo của thôn.

Trưởng thôn trẻ tâm sự: “Mình làm tất cả đều vì việc chung, việc gì bà con đồng thuận thì mới thực hiện, như Bác Hồ dạy: Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó cũng làm xong”.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập