Ngọc sáng giữa đời thường
Lượt xem: 65
Đâu đó giữa cuộc sống đời thường, những người với việc làm bình dị, chỉ với suy nghĩ giản đơn nỗ lực cống hiến thật nhiều cho xã hội, hoặc chí ít, bản thân không ngừng lao động để có cuộc sống đủ đầy, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Họ là những người có trái tim như ngọc sáng ngời!

Sự yêu nghề và tình thương của cô giáo Minh đã giúp nhiều trẻ ở thôn Sảng Pả được đến trường

Kết thúc năm học 2020 - 2021, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo mầm non tổ dân phố số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng sẽ nghỉ hưu theo chế độ, nhưng danh hiệu “Mẹ của các con người Mông” thì vẫn mãi là kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời cô về những năm tháng gắn bó với sự nghiệp “trồng người” đầy khó khăn. “Mẹ của các con người Mông” - cái tên thân yêu mà người dân thôn Sảng Pả (nay sáp nhập vào thôn Tòng Già) yêu quý đặt cho xuất phát từ việc làm nhân văn và giàu tình yêu thương của cô dành cho học sinh.

Năm học 2016 - 2017, cô Minh được phân công dạy tại phân hiệu thôn Sảng Pả, Trường Mầm non số 2 thị trấn Nông trường Phong Hải. Thôn Sảng Pả thuộc diện khó khăn, 100% là người dân tộc Mông, tách biệt hẳn với phần còn lại của thị trấn. Trong thôn có một xóm cùng tên gọi Sảng Pả nằm tít đỉnh núi, chỉ có 9 hộ sinh sống với muôn vàn khó khăn. Để lên được xóm Sảng Pả phải mất vài tiếng cuốc bộ theo đường mòn, nhiều chỗ luồn lách qua khe đá. Phần vì đường xa, phần vì người lớn mải lo toan cho cuộc sống thường nhật, thành thử trẻ em trong xóm Sảng Pả ở cấp học mầm non không được đến trường. Cô giáo Minh nhiều lần vận động phụ huynh cho các con đi học, mặt khác đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường xin được đón các cháu về nhà mình ở. Vậy là ngoài giờ lên lớp, với vai trò của một giáo viên, cô Minh lại là người mẹ của các em lúc ở nhà, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chúng.
Lúc đầu, cô Minh chăm sóc và đưa đón 4 cháu người Mông ở xóm Sảng Pả, trong đó có cháu mới 2 tuổi. Cứ như vậy, ngày lại ngày, 5 cô trò đều đặn sáng, chiều đi về trên chiếc xe máy từ nhà đến trường. Cuối tuần, phụ huynh các cháu mới đón về nhà, rồi thứ 2 lại tiếp tục hành trình. “Đêm đêm, trên chiếc giường nhỏ, các con nằm phía trên, tôi nằm ngang dưới chân chúng ở cuối giường, đắp lại cái chăn khi trời lạnh, hoặc dỗ dành khi các cháu giật mình quấy khóc...”, cô Minh trải lòng.

“Trong suốt những năm chăm sóc, đưa đón hàng chục học sinh, tôi vẫn nhớ một kỷ niệm”, giọng xúc động, cô Minh kể tiếp: Đó là một đêm mùa đông năm 2017, trời rất lạnh, cháu Cư Thị Chứ, 2 tuổi, bị viêm phổi cấp. 2 giờ đêm lên cơn sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm. Tôi vội đưa cháu đến phòng khám đa khoa thị trấn Nông trường Phong Hải cách nhà 5 km. Đêm ấy trời mưa rả rích, trên đường không một bóng người, chỉ 2 cô cháu với chiếc xe máy. Sau thời gian cấp cứu, tôi ngồi ôm cháu Chứ sốt mê man trong phòng bệnh mà bụng thì lo cho các cháu ở nhà, chỉ mong trời nhanh sáng để về.

Hành trình yêu thương của cô Minh kéo dài suốt từ năm 2016 đến nay. Năm học 2016 - 2017 cô nuôi 4 cháu; năm học 2017 - 2018 nuôi 5 cháu; năm học 2018 - 2019 nuôi 5 cháu; năm  học 2019 - 2020 nuôi 5 cháu; năm học 2020 - 2021 nuôi 4 cháu với biết bao khó khăn vất vả, thức khuya, dậy sớm. Ngoài số tiền ăn trưa được nhà nước hỗ trợ, còn lại mọi khoản ăn uống, chi phí nuôi các cháu tại nhà đều do cô bỏ ra từ đồng lương ít ỏi của mình. “Việc chăm sóc các cháu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với sự yêu nghề, mến trẻ, cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của các cháu thôi thúc tôi kiên định với việc làm của mình. Tôi luôn tâm niệm sống và làm việc theo lời dạy của Bác Hồ, thương người như thể thương thân, học Bác phải bằng những hành động, việc làm cụ thể. Nếu được nhà trường cho phép, tôi vẫn tiếp tục tự nguyện chăm nuôi các cháu”, cô Minh bộc bạch.

Với những việc làm đầy tình thương trong những năm qua, cô giáo Minh vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.

Nữ “thầy thuốc” ở Sải Duần

Như đã hẹn, tôi vừa đặt chân đến trụ sở UBND xã Phìn Ngan (Bát Xát) thì gặp ngay bà Chảo Cói Mẩy ở thôn Sải Duần cũng vừa đi lấy lá thuốc từ rừng về. “Sắp hết thuốc, mình phải lên rừng lấy. Mời nhà báo lên nhà mình, lên thôn Sải Duần để tìm hiểu thực tế”, bà Mẩy hồ hởi. Vậy là, tôi về Sải Duần trong một buổi chiều, nắng dát vàng trên những ngọn núi nối nhau tít tắp.

“Trước đây, con đường đã từng được người dân trong thôn góp công sức đổ bê tông, nhưng nhỏ lắm, giờ thì được mở rộng lên 3 mét và đổ bê tông đẹp đẽ bằng kinh phí đầu tư của nhà nước”, bà Mẩy bắt đầu câu chuyện bằng niềm vui có tuyến đường mới của thôn Sải Duần.

Bà Mẩy (phải ảnh) thường xuyên gần gũi, giúp đỡ chị em trong cuộc sống đời thường.

Tuyến đường bà Mẩy nói đến, vài năm trước chính bà đã vận động người dân trong thôn hiến hơn 2.300 m2 đất để mở rộng, huy động hơn 250 ngày công đổ bê tông và vận động doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ 30 triệu đồng làm đường. Sau nhiều năm sử dụng, đường có chỗ bị xuống cấp, mặt đường nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên mới được xã Phìn Ngan đầu tư nâng cấp, chỉ hoàn thành hơn 1 tháng trước.

Trò chuyện về những năm tháng công tác, điều tôi thán phục bà là ý chí vươn lên trong cuộc sống và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bà kể, khi làm cán bộ dân số thôn, vận động chị em đi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nhiều lần bà phải xuống tận bệnh viện giúp những người này địu con, thậm chí bỏ tiền cá nhân ra trang trải cho việc đi lại, ăn uống. Đến năm 2003, bà chuyển lên làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, rồi năm 2006 làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. “Do yêu cầu công việc, khi đã ngoài 40 tuổi, tôi mất 6 năm để đi học văn hóa và học trung cấp văn thư tại huyện Bát Xát, học xong thì về nghỉ hưu”, bà Mẩy nói.

Vừa nghỉ việc ở xã chưa được 1 tháng, bà lại được các đảng viên trong thôn tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ từ năm 2016 đến năm 2019.

Từ khi thôi tham gia công tác xã hội, bà Mẩy lại càng có điều kiện chuyên tâm cho nghề thuốc gia truyền. Bà không thể nhớ mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người, nhưng những bệnh nhân nặng được chữa khỏi thì không thể quên. Theo lời kể của bà, cách đây vài năm có trường hợp bệnh nhân từ một tỉnh xa xôi của nước bạn Trung Quốc bị tai biến 6 năm, không đi lại được, khi đến nhà được bà điều trị, bốc thuốc chỉ 1 tháng sau đã tiến triển rõ rệt. Sau đó, bệnh nhân này về nhà, tiếp tục uống thuốc của bà Mẩy kết hợp với tập luyện đã khỏi bệnh, đi lại gần như bình thường.

Bên cạnh nghề thuốc, bà Mẩy còn tiên phong trong khai thác, phát triển dịch vụ tắm lá thuốc Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan. Hiện thôn đã thành lập nhóm thầy thuốc do bà Mẩy làm nhóm trưởng phụ trách hướng dẫn một số thành viên khác chọn lựa lá thuốc, cách chế biến, duy trì và phát triển mô hình tắm lá thuốc của thôn Sải Duần. Với những đóng góp của mình, trong đợt sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bà Mẩy được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. “Tôi luôn nghĩ, mình là đảng viên, trước tiên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trong mọi hoạt động, công việc của thôn luôn nhiệt tình làm trước để mọi người thấy, từ đó vận động người dân mới tin và làm theo. Đồng thời, phải biết phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo”, bà Mẩy trải lòng.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập