Niềm tự hào của thôn Láo Sáng
Lượt xem: 67
Gần 30 năm không có gia đình sinh con thứ 3 và 23 năm không xảy ra tảo hôn, an ninh, trật tự được giữ vững, đây là niềm tự hào của người dân thôn Láo Sáng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát...

Tại các cuộc họp, hội nghị tuyên truyền cấp tỉnh, nhiều đại biểu lấy Láo Sáng làm ví dụ điển hình trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và công tác giữ gìn an ninh, trật tự, khiến chúng tôi tò mò về cuộc sống của người dân ở thôn này.

Láo Sáng là thôn vùng cao, cách trung tâm xã Phìn Ngan khoảng 10 km, là nơi sinh sống của 40 hộ người Dao. Nhắc đến Láo Sáng, người dân trong vùng thường liên tưởng đến sự kiện năm 2016, khi đó 14 hộ trong thôn phải chuyển chỗ ở do sạt lở vì thiên tai, bão lũ. Nhưng đối với người dân trong thôn, niềm tự hào của họ đến từ việc gần 30 năm không có hộ sinh con thứ 3 và 23 năm không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết, người dân trong thôn sống chan hòa, đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, an ninh, trật tự đảm bảo, không có tệ nạn xã hội.

Ông Tẩn Diu Trình (trái ảnh), một trong hai chủ hôn có tiếng ở thôn Láo Sáng

chia sẻ về công tác phòng, chống tảo hôn.

Vượt cung đường quanh co, dốc đứng, qua nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Láo Sáng - Chảo Láo Tả. Pha trà tiếp khách, anh Tả kể: Từ năm 1983 đến nay, thôn Láo Sáng không có hộ nào sinh con thứ 3; còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì từ năm 1998 đến nay, thôn không có trường hợp nào. Láo Sáng hiện có 182 nhân khẩu, hộ đông nhất có 7 khẩu với 4 thế hệ cùng chung sống.

Theo lý giải của Bí thư Chi bộ thôn Láo Sáng, nơi đây không có trường hợp sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết là bởi công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, người dân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan trọng hơn cả, người dân ý thức được việc sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tương lai của thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, theo phong tục truyền thống của người Dao, mỗi đám cưới diễn ra đều phải có chủ hôn, thầy bếp, thầy kèn, ban tiếp khách. Nếu con trai, con gái chưa đủ tuổi kết hôn, chủ hôn, thầy bếp, thầy kèn và ban tiếp khách nhất quyết không tham gia thì đám cưới không thể tổ chức theo nguyện vọng của gia chủ.

“Theo quy ước của thôn Láo Sáng, hộ nào tổ chức tảo hôn cho con sẽ bị phạt 200 nghìn đồng, sung vào quỹ thôn. Tuy nhiên, cuốn sổ ghi chép từ năm 1998 đến nay, thôn vẫn chưa “phạt vạ” được hộ nào. Phát hiện gia đình nào có ý định tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định, chúng tôi chỉ cần “nhốt” chủ hôn, thầy bếp, thầy kèn là đám cưới không thể diễn ra được” - anh Tả chia sẻ.

Một góc thôn Láo Sáng.

Theo anh Tả, việc “nhốt” ở đây là tuyên truyền, vận động những người có vai trò quan trọng trong đám cưới của người Dao không tham gia những việc làm trái quy định của pháp luật.

Ông Tẩn Diu Trình, một trong hai chủ hôn có tiếng ở thôn Láo Sáng cho biết: Chủ hôn có vai trò rất quan trọng trong đám cưới của người Dao. Thông thường, chủ hôn phải là người biết cúng, nắm rõ phong tục, tập quán, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Trước khi đám cưới diễn ra khoảng 1 tháng, gia chủ sẽ có lời mời, chúng tôi xem xét, nắm rõ độ tuổi, nguyện vọng của đôi trai gái mới đồng ý làm chủ hôn tổ chức đám cưới. Không ít lần tôi từ chối làm chủ hôn và tuyên truyền cho những cặp chưa đủ tuổi kết hôn. Các chủ hôn trong vùng cũng có mối liên kết với nhau nên không để diễn ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Với những kết quả đạt được, năm 2018, thôn Láo Sáng được chọn để xây dựng mô hình “Thôn tự quản về an ninh, trật tự, không có tệ nạn xã hội”. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thôn luôn được giữ vững, không có tệ nạn xã hội, người dân đoàn kết phát triển kinh tế.

Nhờ không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, an ninh, trật tự đảm bảo, Láo Sáng luôn là một trong những thôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xã Phìn Ngan. Hiện nay, thôn Láo Sáng chỉ có 12,5% hộ nghèo, 15% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Phong trào hiến đất, hiến ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi.

Anh Chảo Láo Tả, Bí thư Chi bộ thôn Láo Sáng cho biết: Những năm gần đây, người dân thôn Láo Sáng rất tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tích cực trồng rừng sản xuất (quế, mỡ). Người dân cũng chuyển từ canh tác thảo quả, sa nhân dưới tán rừng tự nhiên sang canh tác các loại cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất sản xuất để nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. “Niềm mong mỏi nhất của người dân nơi đây là tuyến đường đến thôn được đổ bê tông để người dân đi lại thuận tiện, tiêu thụ nông sản được thuận lợi” - anh Tả nói.

Mặc dù kinh tế chưa thực sự phát triển bởi nhiều lý do khác nhau nhưng hiệu quả trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3, đảm bảo an ninh, trật tự, thì thôn vùng cao Láo Sáng là điển hình để các địa phương trong tỉnh học tập. Hiệu quả đó đến từ sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương trong công tác tuyên truyền, những cách làm phù hợp với phong tục, tập quán của người dân. Cùng với đó, khơi dậy tinh thần tích cực, nâng cao nhận thức của người dân sẽ giúp chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dễ dàng đi vào thực tế.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập