Thượng úy biên phòng người La Chí được dân bản tin yêu
Lượt xem: 63
Đến đồn Biên phòng Si Ma Cai tôi thực sự ấn tượng về người lính quân hàm xanh làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới Tổ quốc. Người lính đó là Thượng úy Vàng Văn Vinh, 29 tuổi, dân tộc La Chí, Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Ở anh có đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị, giọng nói truyền cảm, tuy lần đầu gặp nhưng tôi đã có cảm tình với anh bởi phong cách sống chân tình, được cấp trên tín nhiệm, cán bộ, chiến sĩ và dân bản tin yêu...

Tôi theo Thượng úy Vinh leo lên, tụt xuống dốc những vạt núi đá tai mèo cao ngất trời mây, đến thăm đồng bào Mông ở thôn Dào Dần Sán, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, cư trú bên sườn núi phía dưới là dòng sông Chảy quanh co. Hai bên bờ sông đường biên giới Việt - Trung, có đoạn vách đá dựng đứng trông giống như “cánh cửa đá” rất hiểm trở. Tôi cảm phục sự hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài nỗ lực với trách nhiệm cao của bản thân nhất thì mỗi người lính phải là tấm gương để dân bản học và làm theo. Thượng úy Vinh chia sẻ: Trọng tâm công tác dân vận của bộ đội biên phòng là “vì dân”. Bộ đội phải đưa ra những gì có lợi cho dân thì họ mới tin và làm theo. Nói thì đơn giản nhưng khi thực hiện bộ đội phải có quyết tâm rất cao, vì nhiệm vụ Đồn quản lý 2 xã, 1 thị trấn biên giới, 1 lối mở Hóa Chư Phùng; tuyến đường biên giới dài hơn 9,2 km, cộng với 2 cột mốc trên miền đất cổ đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn...

Dừng tay tra hạt giống ngô, bà Vàng Seo Mỷ, 62 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Dào Dần Sán, nắm chặt tay Thượng úy Vinh mở lòng: Mình già rồi, nhà nghèo được bộ đội Vinh giỏi tiếng Mông, nhiệt tình chỉ bảo trồng ngô, lúa giống mới năng suất cao và Đồn cho con lợn, con gà giống để phát triển kinh tế. Mình mừng lắm, càng quyết tâm học và làm theo bộ đội Vinh để xóa nghèo. Nhờ đó mà gia đình mình đã no cái bụng, cảm ơn bộ đội Vinh làm nhiều điều tốt có lợi cho dân bản!

Thượng úy Vàng Văn Vinh trò chuyện với đồng bào Mông ở thôn Dào Dần Sán, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Sinh ra và lớn lên ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, từ nhỏ Vàng Văn Vinh luôn khao khát trở thành người chiến sĩ biên phòng. Năm 2015, anh ra trường công tác tại Tiểu đoàn cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đúng như kỳ vọng và luôn cảm thấy vinh dự, tự hào. Đến năm 2017, anh được phân công về Đồn Biên phòng Si Ma Cai đảm nhận nhiệm vụ vận động quần chúng. Ở đơn vị mới, anh bám dân, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” và giúp các hộ: Vàng Quan Trọng, Lèng Văn Sào, Lèng Văn Thành, dân tộc Nùng, ở thôn Lùng Sìn Cán, xã Nàn Sán thoát nghèo. Khó khăn là vậy, song đối với anh khó nhất là chưa biết tiếng đồng bào, vì thế buổi đầu tiếp xúc với dân “dở khóc, dở cười”, anh nói, dân chưa hiểu và ngược lại dân nói anh cũng chưa biết. Để giúp dân bản vượt qua cơ cảnh gian khó, anh xác định phải học theo gương Bác, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Vàng Văn Vinh tâm sự: Bác là tấm gương giỏi nhiều ngoại ngữ, giúp Người thành công trong mọi công việc, mang lại lợi ích cho dân. Học Bác ở Đồn là học tiếng đồng bào để làm điều có lợi cho dân, cho nước. Một trong những bí quyết học giỏi tiếng đồng bào của tôi là cùng nói tiếng đồng bào theo phong cách Bác nói ngoại ngữ với người nước ngoài...

Ở bản nghe và nói chuyện với đồng bào, khi phát hiện ra từ khó, Vinh tỉ mỉ thu thập thêm các nguồn tài liệu sách, báo, nghe đài, xem ti vi chương trình tiếng đồng bào các dân tộc của Đài Truyền hình Việt Nam, tìm từ ngữ liên quan và kiểu cách phát âm của đồng bào. Kinh nghiệm của một người con dân tộc La Chí giúp anh có cơ hội nghe và luyện giọng để có cách phát âm giống với đồng bào: Mông, Nùng, Tày, Thu Lao. Từ đó, giúp anh vững vàng hơn trong nghề nghiệp. Gắn bó với dân bản, từ ngày biết thêm tiếng nói và văn hóa của dân bản anh mới nghe được “tiếng lòng” các anh Trọng, Sào, Thành ở thôn Lùng Sìn Cán, xã Nàn Sán, phản ánh hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, cần vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, mua giống lúa, ngô mới năng suất cao thay giống cũ; mua con trâu, con bò, con lợn sinh sản làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cần nhờ anh giúp đỡ. Kết quả sau 3 năm từ năm 2018 đến năm 2020, anh bền bỉ giúp các hộ nghèo Trọng, Sào, Thành được Hội Nông dân xã Nàn Sán bình chọn thoát nghèo.

Cùng với đó, bảo vệ sản xuất của dân bản là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vụ mùa năm 2019, chỉ huy Đồn và lãnh đạo chính quyền xã Nàn Sán rất lo lắng về tình hình an ninh trật tự thôn Lũng Choáng từ việc tranh chấp nguồn nước cấy lúa ruộng bậc thang trong dân. Để giải quyết vấn đề, thông qua giao tiếp bằng tiếng đồng bào, anh được dân bản cung cấp thông tin quan trọng về tập quán sản xuất lâu đời. Hộ có ruộng ở đầu nguồn nước cấy lúa xong thì đến lượt hộ tiếp theo ở cuối nguồn. Chuyện đơn giản là thế, buổi sớm hôm anh đến ruộng vận động hộ ông V.A.P tháo nước xuống ruộng hộ khác, không ngờ ông P bảo: “Lúa mới cấy, không cho nước ruộng khác. Nếu cho nước cây lúa không mọc, bông lép, không có cái ăn thì cả nhà chết đói. Mặc kệ, tôi không nghe đâu”. Lối sống ích kỷ của ông P, cấy lúa xong chặn cả nguồn nước quý hiếm của dân khiến anh thất vọng. Buổi tối khi ông P ở nhà, anh cùng già bản và người thân ông P vào uống nước, hút thuốc lào nói “thấu lý, đạt tình” việc tranh chấp nước cấy lúa của dân. Ông P đồng ý xẻ nước cho dân bản cấy lúa, tờ mờ sáng hôm sau, ông P mang cuốc ra san nước cho ruộng khác và làm theo cách của anh là ưu tiên nước cho những ruộng ở cuối nguồn cấy lúa trước, sau đó mới đến hộ có ruộng đầu nguồn cấy lúa. Cách làm này nhằm thay đổi tập quán sản xuất trước đây ở thôn để bảo vệ sản xuất, xóa bỏ việc tranh chấp nguồn nước cấy lúa, khiến cho mọi người ai nấy đều mừng vui và sự bình yên trở lại bản làng.

Sau sự việc trên, “tiếng lành đồn xa” không chỉ có dân bản ở thôn Lũng Choáng mà ở các thôn khác cũng tin yêu anh. Anh Cư Seo Phường, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ thôn Sàng Chải, xã Nàn Sán, vui vẻ nhận xét: “Tôi rất quý bộ đội Vinh luôn tận tụy với công việc và nhiệt tình giúp dân. Dù trời nắng như đổ lửa hay mưa dầm, lạnh buốt hễ có việc là anh có mặt gánh vác cùng dân bản đến khi kết thúc tốt đẹp. Nhờ đó, bộ đội Vinh có “trăm tay, nghìn mắt” bảo vệ tốt biên giới quốc gia trong mọi tình huống”.

Đúng như lời của Bí thư chi bộ thôn Sàng Chải, nhờ có “tay và mắt” trong dân giúp Thượng úy Vinh và bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Chuyện xảy ra hồi đầu tháng 2/2021, anh nhận được tin báo của dân có 10 người ở xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tìm cách vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, anh tham mưu cho lãnh đạo các cấp, rồi trực tiếp vận động cả nhóm không vượt biên, trở về nhà. Biết tiếng dân tộc, biết mặt, biết cả người thân trong gia đình, nhóm người nghe theo anh rời bờ sông biên giới, ngược núi cao về nhà, cam kết chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Xong việc anh lại cùng đồng đội tuần tra và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước cho cư dân biên giới. Định kỳ hằng tháng, anh tiếp xúc với người dân biên giới ở xã Nàn Sán, Sán Chải và thị trấn Si Ma Cai. Qua đó, anh nắm được tâm tư, nguyện vọng để tham mưu với các cấp chính quyền địa phương đề ra phương án giải quyết, tháo gỡ. Ngoài ra, anh chủ động xây dựng, củng cố, gắn kết tình quân dân bằng việc thường xuyên tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là vào các dịp lễ, tết. Thông qua các hoạt động ấy, sự gắn kết của anh với chính quyền, người dân càng thêm bền chặt, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên Phó, Đồn Biên phòng Si Ma Cai cho biết: Thượng úy Vàng Văn Vinh thường xuyên xuống bản giúp dân sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng mối đoàn kết quân dân, giành được nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2020 vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; được bình chọn là gương mặt tiêu biểu trong Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội...

Chia tay Thượng úy Vàng Văn Vinh trở về tôi ấn tượng mãi về người chiến sỹ quân hàm xanh nơi vùng biên giới, về những việc làm giản dị của anh học và làm theo gương Bác. Bất chợt tôi nhớ đến những vần thơ Bác tặng Đại hội chiến sỹ thi đua Công an Nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng): “Non xanh nước biếc trùng trùng/Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/Núi cao sự nghiệp càng cao/Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu/Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập