Trưởng thôn vì dân
Lượt xem: 61
Không chỉ là đảng viên, trưởng thôn làm giàu kinh tế giỏi, anh còn có tấm lòng rộng mở, giúp đỡ những người xung quanh và chia sẻ cách thức phát triển kinh tế. Thậm chí, anh tài trợ kinh phí cho một số hộ trong thôn đi học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả về áp dụng vào điều kiện cụ thể trên đồng đất Lương Hải”. Trên đường đưa tôi đến gặp nhân vật, Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) Nguyễn Vân Hạnh có những nhận xét như vậy về đảng viên Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng thôn Lương Hải...

Lúc chúng tôi đến nhà, anh Sỹ cũng vừa đặt chiếc bình phun thuốc bảo vệ thực vật từ trên lưng xuống góc sân có cây hồng xiêm rợp bóng. Mồ hôi nhễ nhại, anh bảo, tranh thủ lúc trời chưa nắng nóng đi phun thuốc trừ sâu cho lúa. Giọng sôi nổi, anh mời chúng tôi thăm khu vườn ươm quế giống phía sau nhà. Trên diện tích hơn 3.000 m2, những cây quế cao chừng 30 cm đang bật lứa chồi mới mơn mởn chờ ngày xuất bán. Anh khoe: Với hơn 60 vạn cây quế giống bán ra thị trường, năm nay ít nhất tôi cũng thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng hơn 200 triệu đồng.

Xuất phát từ nhu cầu trồng rừng của gia đình và người dân trong vùng ngày càng cao, năm 2015, anh Sỹ bắt đầu ươm quế giống, nhưng quy mô nhỏ chỉ khoảng 20 vạn cây. Sản xuất không đủ, anh phải nhập cây quế giống ở nơi khác về bán, nhưng lại nảy sinh khó khăn mới như không chủ động được thời gian, phụ thuộc nhiều vào người bán, người vận chuyển và chi phí cao… Từ đó, anh quyết định mở rộng diện tích vườn ươm như hiện nay.

Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng đi phát triển kinh tế gia đình, thử sức với nhiều loại cây, con giống khác nhau, nhưng cuối cùng chỉ còn cây quế trụ lại, gắn bó và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh Sỹ. Những năm 2008, anh đã lặn lội về Yên Bái mua cây giống về trồng trên diện tích đồi rừng của gia đình. Năm sau, anh tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có khoảng 7 ha quế ở các độ tuổi khác nhau. Lứa này khai thác lại trồng tiếp lứa mới, cứ như vậy, lúc nào trên vườn đồi, cây cối cũng phủ một màu xanh ngút ngát. Anh cho biết, lần khai thác nhiều nhất vào cuối năm 2018 với khoảng 1 ha, bán được hơn 400 triệu đồng tiền quế.

Đảng viên, Trưởng thôn Nguyễn Văn Sỹ (phải ảnh) không chỉ ham làm giàu mà còn giàu lòng vì dân.

Chưa bằng lòng với thực tại, anh Sỹ đang ấp ủ dự định tiếp tục thử sức với mô hình nuôi đà điểu. “Nếu không do dịch Covid-19 thì tôi đã xây xong chuồng trại và nhập giống đà điểu về nuôi rồi”, anh Sỹ cho biết. Để chuẩn bị cho dự định chăn nuôi mới, anh đã về một số tỉnh dưới xuôi học hỏi kinh nghiệm, tìm đến các trại giống có uy tín, lựa chọn đặt giống đà điểu với khoảng 100 con. Chờ khi dịch Covid-19 được khống chế, anh sẽ bắt tay vào việc triển khai mô hình.

Chăm chỉ lao động với khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình ngay trên quê hương mới chỉ là một phần chân dung đảng viên, Trưởng thôn Lương Hải Nguyễn Văn Sỹ. Điều đáng quý hơn, anh còn muốn lan tỏa tinh thần, khát vọng làm giàu của mình đến với các hộ khác trong thôn. Không chỉ vận động suông, chính anh đã vài lần tự bỏ tiền hỗ trợ một số hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các mô hình trong và ngoài tỉnh. Đơn cử, năm 2017, anh tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng quế ở Văn Yên, tỉnh Yên Bái; năm 2019 tổ chức đoàn đi tham quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở một số xã trong huyện… Sau chuyến đi thực tế “mắt thấy, tai nghe” tại Văn Yên về, nhiều hộ trong thôn Lương Hải đã mạnh dạn chuyển diện tích rừng sang trồng quế. Đến nay, thôn có khoảng 80 ha quế, cơ bản đã hết diện tích đất rừng, nên không thể mở rộng thêm.

Trước đây là Bí thư Chi bộ thôn Lương Hải 1, sau khi xã Lương Sơn sáp nhập thôn Lương Hải 1 và thôn Lương Hải 2, anh Sỹ làm Trưởng thôn Lương Hải. Chăm chỉ lao động, tìm hướng đi phát triển kinh tế, gia đình anh Sỹ đã đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 5 năm liên tục. Từ thực tế của bản thân, anh tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đưa nhiều loại cây, con giống mới vào sản xuất, nâng cao đời sống. Ví như mô hình nuôi cá bỗng, đã có 6 hộ thực hiện, trong năm có thêm 20 hộ đăng ký thực hiện; mô hình trồng cam V2 khoảng 7 ha, trồng chè VietGAP khoảng 20 ha; trồng lúa séng cù khoảng 7 ha; mô hình nuôi đà điểu dự kiến có 4 hộ thực hiện... sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác cho người dân Lương Hải. “Đất chật, người đông, không thể duy trì mãi kiểu phát triển kinh tế manh mún, lấy số lượng bù chất lượng, mà phải tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, có như vậy mới bền vững”, đó là hướng đi của Lương Hải trong những năm tới mà Trưởng thôn Nguyễn Văn Sỹ đang ấp ủ, vận động người dân thực hiện. Hiện thôn có hơn 100 hộ thì có hơn 40 hộ thuộc diện khá, giàu, chỉ còn 2 hộ nghèo (1 trường hợp tàn tật, 1 trường hợp đông con).

Luôn phát huy vai trò công tác, hết mình vì dân, giản dị, gần gũi, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, anh Sỹ được người dân thôn Lương Hải mến phục, tin và làm theo những lời vận động. Sau những việc làm của mình, anh luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Một trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt”. Với trách nhiệm của một đảng viên, anh Sỹ đã có nhiều việc làm vì cộng đồng theo tư tưởng vì dân của Bác. “Đó là điểm tựa để tôi lao động, cống hiến cho quê hương mình”, anh Sỹ chia sẻ.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập